Thủ tục đăng ký quyền liên quan quyền tác giả
03:05:00 17/05/2017
Bởi: Admin
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho cá nhân, tổ chức Việt Nam
* Trình tự thực hiện:
- Chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, chuyển Cục Bản quyền tác giả xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển cho tổ chức, cá nhân nộp đơn ngay sau khi nhận được kết quả xem xét, giải quyết của Cục Bản quyền tác giả.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
* Cách thức thực hiện:
Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả, Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở.
* Thành phần, số lượng hồ sơ::
- Thành phần hồ sơ:
(1) Tờ khai đăng ký quyền liên quan (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 7 năm 2016).
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn;
(2) Hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
(3) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
(4) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
(5) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Các tài liệu quy định tại các điểm 3, 4, 5 trên đây phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp bản sao phải có công chứng hoặc chứng thực; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và phải được công chứng, chứng thực.
- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
* Thời hạn giải quyết:
15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.
* Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Cục Bản quyền tác giả.
- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận.
* Phí, lệ phí:
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn được định hình trên Bản ghi âm: 200.000 đồng/Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn được định hình trên Bản ghi hình: 300.000 đồng/Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn được định hình trên Chương trình phát sóng: 500.000 đồng/Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với Bản ghi âm: 200.000 đồng/Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với Bản ghi hình: 300.000 đồng/Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền liên quan đối với Chương trình phát sóng: 500.000 đồng/Giấy chứng nhận.
* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Tờ khai đăng ký quyền liên quan (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 7 năm 2016).
* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không.
* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005. Có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009. Có hiệu lực từ ngày 01/01/ 2010.
- Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Có hiệu lực từ ngày 17/10/2006.
- Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Có hiệu lực từ ngày 10/11/2011.
- Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có hiệu lực từ ngày 27/02/2012;
- Thông tư số 29/2009/TT-BTC ngày 10 tháng 02 năm 2009 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan. Có hiệu lực từ ngày 27/3/2009. - Quyết định số 15/QĐ-BQTG ngày 23/3/2009 về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh. Có hiệu lực từ ngày 23/3/2009;
- Quyết định số 16/QĐ-BQTG ngày 23/3/2009 về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng. Có hiệu lực từ ngày 23/3/2009.
- Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.
1 2 3 4 5