10 Thỏa thuận trái pháp luật trong hợp đồng lao động
10:06:00 17/06/2017
Bởi: Admin
Theo quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) có quyền thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm mang lại hiệu quả công việc và quyền lợi cho hai bên.
Nhưng pháp luật lao động phần lớn là nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế là NLĐ. Cho nên, không phải thỏa thuận nào giữa NSDLĐ và NLĐ cũng được pháp luật thừa nhận.
Dưới đây là một số các thỏa thuận trái pháp luật mà người lao động thường gặp phải và mức xử phạt.
1. NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ không đóng BHXH, BHTN hoặc đóng không đúng mức quy định, NLĐ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
2. NSDLĐ thỏa thuận với NLĐ không đóng BHXH, BHTN cho NLĐ hoặc đóng không đúng mức quy định thì:
- Nếu việc thỏa thuận này chỉ diễn ra với một số NLĐ thì bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
- Nếu việc thỏa thuận này diễn ra với toàn bộ NLĐ: phạt tiền từ 18% - 20% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
- Hai mức phạt trên không quá 75 triệu đồng.
3. Trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Tùy theo số lượng NLĐ bị trả lương thấp hơn mức quy định, mà NSDLĐ bị phạt tiền từ 20 – 75 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang áp dụng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP.
4. Thử việc vượt quá thời gian quy định
Nhiều NSDLĐ lợi dụng việc dạy nghề, học việc, thử việc để tránh trách nhiệm thanh toán đủ mức lương cho NLĐ.
Tuy nhiên, nhiều NLĐ vì cần việc, nên họ bất chấp thỏa thuận không có lợi cho mình để tiếp tục làm việc.
Trường hợp này, NSDLĐ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng.
5. Làm thêm quá giờ quy định
Luật lao động quy định cho phép NSDLĐ thỏa thuận với NLĐ về việc làm thêm giờ không quá 04 giờ làm việc/ngày.
Nếu áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.
Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày thì NSDLĐ phải bố trí cho NLĐ nghỉ bù cho số thời gian không được nghỉ.
Trường hợp thỏa thuận làm thêm giờ vượt quá quy định thì NSDLĐ bị xử phạt từ 25 – 50 triệu đồng.
6. Tạm hoãn việc sinh con hoặc kết hôn
Nếu thỏa thuận hoãn việc sinh con hoặc kết hôn đối với lao động nữ, NSDLĐ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.
7. Thỏa thuận phạt NLĐ nếu vi phạm việc tạm hoãn sinh con, dẫn đến NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ
Nếu trong HĐLĐ có điều khoản quy định về việc vi phạm tạm hoãn sinh con, tạm hoãn kết hôn sẽ bị sa thải, đuổi việc, kỷ luật…thì NSDLĐ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
8. Không được làm thêm cho doanh nghiệp khác
Nhiều doanh nghiệp lo sợ về việc “chảy máu chất xám”, lộ bí quyết kinh doanh nên có những điều khoản thỏa thuận về việc NLĐ không được làm thêm cho doanh nghiệp khác, việc này là vi phạm quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động 2012.
Điều luật này quy định quyền tự do giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ của NLĐ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, đồng thời, NLĐ cũng có nghĩa vụ phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Tuy nhiên, chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
9. Chuyển lao động nữ sang bộ phận khác sau khi nghỉ thai sản
Việc không đảm bảo việc làm cũ cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, trừ trường hợp công việc cũ ảnh hưởng đến sức khỏe, điều kiện làm mẹ…của lao động nữ, NSDLĐ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
10. Thỏa thuận phạt tiền NLĐ nếu họ vi phạm nội quy lao động
Khá nhiều doanh nghiệp áp dụng thỏa thuận này, nhưng theo quy định của luật lao động, NSDLĐ không được dùng hình thức phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật lao động và nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.
Mức xử phạt hiện nay căn cứ theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1 2 3 4 5